Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

LÀM CHỦ TÂM, LÀM CHỦ HẠNH PHÚC



1) Tâm là tên lừa đảo lớn nhất. Người khác có thể dối bạn nhất thời, tâm dối gạt bạn suốt đời.
2) Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình.
3) Khi tay bạn nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì bạn chỉ có mỗi thứ này. Nếu chịu buông xuống, bạn có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Người chấp khư khư quan niệm của mình, không chịu buông thì trí huệ chỉ đạt được ở một mức độ nhất định.
4) Nếu bạn có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là phúc đức của bạn. Hôm nay, biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương ngày mai; biết bao nhiêu người đã trở thành phế nhân, biết bao người đã đánh mất tự do, và biết bao nhiêu người phải nước mất nhà tan.
5) Bạn có nhân sinh quan của bạn, tôi có nhân sinh quan của tôi. Tôi không dính dáng gì tới bạn. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được bạn. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.
6) Nếu muốn nắm được sự vĩnh hằng thì bạn phải làm chủ hiện tại.
7) Đừng thốt ra từ miệng những lời ác độc, cho dù người ta có xấu ác với mình bao nhiêu. Càng nguyền rủa người khác, tâm bạn càng bị nhiễm ô. Hãy nghĩ mọi người là thiện tri thức của mình.
8) Người khác có thể làm trái nhân quả, tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ. Vì chúng ta cần giữ tâm thanh tịnh và bản tánh hoàn chỉnh.
9) Người chưa từng cảm nhận sự đau khổ hoặc khó khăn thì khó cảm thông người khác. Muốn học tinh thần cứu khổ, cứu nạn thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.
10) Thế giới vốn không thuộc về bạn, vì thế bạn không cần vứt bỏ. Cái cần vứt bỏ chính là tánh cố chấp. Vạn vật đều hữu dụng, nhưng không thuộc về ta.
11) Khi không thể thay đổi được thế giới xung quanh, ta nên sửa đổi chính mình. Giáp mặt tất cả bằng tâm từ bi và trí huệ.

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

THIẾT LẬP SỰ CẢM THÔNG



Khi một người dùng ánh sáng tuệ giác nhận định, đánh giá và giải quyết vấn đề, lúc bấy giờ không có cái gọi là định mệnh, vận mệnh hay sự an bài, mà tất cả sự hên xui, may rủi, tốt xấu, hạnh phúc khổ đau đều do chính chúng ta thiết kế nên. Chính ta là kiến trúc sư, nhà thực hiện, vừa là chủ vừa là thợ. Người trực tiếp nhận hết tất cả những giá trị dù tốt hay xấu của ngôi nhà do chính ta tạo nên.

Hiểu được như vậy thì sự có mặt của thương yêu được gieo trồng, sẽ không còn bệnh đổ thừa, trách người. Hãy nhìn lại bản thân mình một cách thật sâu sắc có hiểu biết, để từ đó mọi bế tắc được giải quyết, tháo gỡ. Nếu ứng xử được như vậy, thì cuộc đời rất có ý nghĩa. Sống như vậy, dù là công nhân ở trên mảnh đất thiếu nhiều phương tiện, ta vẫn làm được nhiều việc có ý nghĩa.

Con người có khuynh hướng trong lúc vui, thành công thì mình sẵn sàng tha thứ tất cả. Trong những tình huống đó, khi tiếp xúc với họ, giải bày sự hiểu lầm ra, thì người kia chấp nhận sự giải bày dễ dàng hơn, còn trong lúc người kia đang gặp sự bế tắc, bị tù túng thì sự giải bày sẽ không có tác dụng. Vì vậy, chúng ta phải nói đúng lúc thì mới có kết quả. Khi có sự hiểu lầm với người nào thì đừng để cho sự hiểu lầm đó phát triển và nằm yên. Phải tháo gỡ sự hiểu lầm từ bên ngoài, lúc đó trạng thái an toàn mới có mặt bằng không mình và họ đều là nạn nhân.( thầy Thích Nhật Từ)


http://tusachphathoc.com/media/play-vuot-qua-thoi-ganh-ty/

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

BUÔNG XẢ BẢN NGÃ





Bản ngã là một chướng ngại của sự thương yêu, và là con virus giết chết sự hiểu biết và cảm thông. Chúng ta biết rằng, sự hiểu biết và cảm thông sẽ không có mặt khi lòng thương yêu không có. Bỏ đi bản ngã thì giữa mình và người có thể thiết lập các mối quan hệ tình thân với nhau dễ dàng hơn.

Nhất là trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái của tất cả những người có cuộc sống và g
iá trị ngang bằng với nhau trong xã hội. Bỏ đi bản ngã, đi đến đâu cũng dễ thiết lập tình thân bạn bè, cũng có người quí trọng. Nếu bản ngã lớn quá, người ta thấy mình là sợ liền.

Trong tình yêu, sự thương yêu bản ngã là kẻ thù chung, ai yêu bản ngã thì không còn biết yêu người khác. Yêu bản ngã là yêu chính bản thân mình, trong đó tình yêu giới tính cũng là tình yêu của bản ngã. Nếu yêu mà đặt nặng bản ngã nhiều quá, thì không còn dòng cảm xúc để đặt trên đối tượng mà mình thương yêu. Tình yêu đó sẽ khô héo dần theo năm tháng và cuối cùng bị huỷ diệt. Cho nên bỏ bản ngã thì tình yêu sẽ được phát triển.(thầy Thích Nhật Từ)


http://tusachphathoc.com/media/play-van-dap-cac-loai-hinh-nhan-qua/




Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC


 Phóng viên nổi tiếng Sydney Harries và một người bạn dừng chân mua báo ở một quầy bán báo, người bạn mua xong rất lịch sự nói lời "Cám ơn!" nhưng người chủ quầy báo thì ngược lại, mặt lạnh như tiền, một tiếng cũng không thèm mở miệng. Hai người rời quầy báo tiếp tục đi về phía trước, Sydney Harries hỏi: - Ông chủ đó thái độ kỳ quái quá phải không? - Cứ mỗi buổi tối là anh ta đều như vậy cả - Người bạn đáp lại. - Như vậy, tại sao bạn lại đối xử tử tế với ông ta chứ? - Sydney Harries lại hỏi tiếp - Tại sao tôi để ông ta quyết định hành vi của tôi chứ? - Người bạn trả lời. - Một người phụ nữ thường than phiền trách móc: "Tôi sống rất buồn khổ, vì chồng tôi thường vắng nhà!", cô ta đã đem chìa khóa niềm vui của mình đặt vào tay chồng. - Một người mẹ khác thì nói: "Con trai tôi không biết nghe lời, làm cho tôi thường xuyên nổi giận!", bà đã trao chìa khóa niềm vui của mình vào tay con trai. - Một vị trung niên của một công ty thở dài nói: "Công ty không thăng chức cho tôi, làm tinh thần tôi giảm sút...!", anh ta lại đem chìa khóa niềm vui của cuộc đời mình nhét vào tay ông chủ. - Bà cụ kia than thở: "Con dâu tôi không hiếu thuận, cuộc đời tôi sao mà khổ!". - Một thanh niên trẻ từ tiệm sách bước ra la lên: "Thái độ phục vụ của ông chủ đó thật đáng ghét...". Những người này đều có một quyết định giống nhau, đó là để người khác chế ngự tình cảm của mình. Lúc chúng ta cho phép người khác điều khiển và chế ngự tinh thần chúng ta, chúng ta có cảm giác như mình là người bị hại, đối với tình huống hiện tại không có phương pháp nào khác nên trách móc và căm giận, việc này trở thành sự lựa chọn duy nhất của chúng ta. Chúng ta bắt đầu trách móc người khác đồng thời chúng ta cũng truyền tải một yêu cầu là: "Tôi khổ như vậy là do người khác và họ phải chịu trách nhiệm về nỗi khổ này!". Lúc đó chúng ta đem trách nhiệm trọng đại phó thác cho những người xung quanh và yêu cầu họ làm cho chúng ta vui. Chúng ta dường như thừa nhận mình không có khả năng tự chủ lấy mình, mà chỉ có thể nhờ người nào đó xếp đặt và chi phối mình. Những người như vậy khiến nhiều người không muốn tiếp xúc, gần gũi, lý do đơn giản là bởi khi nhìn thấy họ ta chỉ thấy toàn sự trách móc, giận hờn. Nhưng, một người biết nắm chắc chiếc chìa khóa niềm vui của mình thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Tinh thần người đó ổn định, biết chịu trách nhiệm về chính mình không đổ lỗi cho người khác; biết làm chủ xúc cảm và biết tạo, cũng như giữ được niềm vui cho chính mình. Như thế thì trong cuộc sống và công việc hằng ngày, người đó sẽ luôn thảnh thơi, vui vẻ và không bị áp lực từ người khác. Chiếc chìa khóa niềm vui của bạn ở đâu rồi? Đang nằm trong tay người khác phải không? Hãy nhanh lên mà lấy lại bạn nhé! Chúc mọi người đều giữ được chiếc chìa khóa niềm vui hạnh phúc của mình!(st)

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

KHÔNG AI MUỐN


Đừng bao giờ định giá và kì kèo để được yêu thương. Hạnh phúc không phải thứ bạn phải chìa tay xin, nếu họ thật lòng yêu, thì bằng mọi cách họ sẽ cho bạn được hạnh phúc! Không có ai van nài người khác để mình được vui, thứ cảm giác dành được lúc đó có chăng cũng là tự thương hại chính mình.
 Đừng bao giờ mang nước mắt để so sánh những nỗi buồn của nhau. Có thước đo hoàn hảo nào cho những vết thương lòng sâu hoắm? Đừng nghĩ chỉ mỗi mình buồn mà người ta không hề hụt hẫng. Đừng nghĩ chỉ mỗi nước mắt mình biết đắng, phía sau đó còn là tổn thương chất chồng của một người khác mà họ không hề nói ra.
 Hãy học cách đặt cảm giác không phải của chính mình vào đôi mắt của bản thân, để cảm thông và hiểu cho nhau thêm đôi chút. Một câu xin lỗi trước dù biết mình chẳng làm sai, một tí chút nhún nhường trong lòng tự trọng so với việc mất nhau, cái nào sẽ là giá đắt?
 Không ai muốn trong cuộc đời mình phải cắn răng để nuôi vào lòng những nuối tiếc. Thế nên, đừng để yêu thương như nắm cát trôi qua kẽ tay hững hờ…
 Đừng mặc cả để trao cho nhau những hạnh phúc giản đơn, cứ cho đi rồi mình ắt sẽ có lại. Toan tính thiệt hơn, chần chừ rồi nghi ngại, thương yêu sẽ rớt rơi dần, và biến mất lúc nào chẳng hay... 
 Đừng đặt nỗi buồn của chính ta lên vai một kẻ khác, đừng để nỗi lo của mình thành nặng gánh cho những người ngoài kia… Học cách đặt niềm vui của ta lên đôi môi người khác, và nuốt nước mắt của người vào tận trái tim ta…
 Đừng trao quyền khiến mình bị tổn thương cho bất kì ai, và cũng đừng quá tin ai mà trao cho họ toàn quyền để mình được hạnh phúc. Chúng ta vĩnh viễn không cầu xin niềm vui từ một kẻ khác, hạnh phúc có chân sẽ đến với những người xứng đáng và bỏ đi với những kẻ không biết học lấy cách nâng niu.
 Đừng xua đuổi tình yêu như thể mình không đáng được người ta yêu. Và cũng đừng bi lụy tình yêu như thể nó là cả sự sống. Không có ai được chỉ định sẽ là của ai mãi mãi, bởi mãi mãi ở đâu, không một ai biết, không một ai hay?
 Đừng bao giờ ngã giá với thương yêu và ngã giá với chính bản thân. Ai cũng có quyền được hạnh phúc theo cách mình muốn, chỉ là với ai, ở đâu, và đến bao giờ?(st)

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

ĐÓN MỘT NGÀY MỚI BÌNH AN


Dẫu biết ngày hôm qua đã cũ, có ai sống hoài với quá khứ. Vậy mà cứ nghe nằng nặng trong lòng, lạ quá! Sống mà không vui thì sống để làm gì? Mà làm cách nào để vui? Tất cả những trò bỡn cợt cố để tạo vui có chăng chỉ là chốc lát rồi sau đó mọi thứ vẫn quay lại như ban đầu. Khoảng lặng. Sau những âm thanh ồn ã thì chúng ta còn lại màu trắng của lặng im. Cần lắm những khi một mình để tư duy, gặm nhắm nỗi niềm hay đơn giản vu vơ buồn. Đừng hỏi tại sao và khi nào? Chẳng ai biết rõ và trả lời chính xác những điều đó. Sự cân bằng không phải lúc nào cũng làm việc như ý, bản thân nó cũng cần phải dừng lại cho mình ít thời gian sắp xếp. Đừng cố ép khi mọi thứ chưa thực sự sẵn sàng. Cuộc sống rất muôn màu, bầu trời như cái chảo chứa đựng rất nhiều sắc thể khác nhau nung nấu ý chí và suy nghĩ của con người. Khi bị hâm nóng người ta thường rất giận dữ và cáu gắt, nhưng nếu được "ninh" nhừ nhiều lần như thế người ta sẽ trở nên quen thuộc rồi tạo ra những kinh nghiệm thật thú vị cho chính mình. Ai cũng cần sức mạnh, muốn có được thì phải tập luyện và khi đạt được dẻo dai người ta sẽ dũng cảm bước lên một tầm cao mới. Đôi lúc ta tự hỏi ta đang đứng ở bậc thang thứ mấy ở cuộc đời? Chịu đựng giỏi đến đâu rồi? Cũng lại là câu hỏi ngớ ngẩn! Yêu thương là một dòng chảy tự nhiên trong mỗi người. Không ai có thể sống mà thiếu yêu thương, người đầy thì mang đi chia sớt. Những kẻ thiếu thốn thì luôn đi kiếm tìm. Những trao đổi của yêu thương có khi rót không đúng chỗ gây ra cuộc đuổi bắt khiến kẻ nhận người cho vài phen trượt ngã. Thậm chí một trong số họ sẽ phải mang vết thương nơi tâm hồn mà không cách chi xóa bỏ. Yêu thương có mặt ở khắp nơi, khổ nỗi để "cầm", "nắm" được con người phải trải qua nhiều thử thách. Cuộc sống không dễ dãi với bất cứ ai nhưng cũng rất nhân từ với kẻ nào biết kiên nhẫn. Vì vậy mà trong trái tim chúng ta vẫn không ngừng hy vọng. Mẹ sinh ta ra, mang hết giấc mơ ấp ủ thời con gái gửi vào thời gian cùng bao nhiêu công sức nuôi nấng ta lớn khôn cốt chỉ mong muốn cuộc đời ta êm ả. Vậy mà ta vươn lên chen chúc sống để chỉ được chứng minh ta đã trưởng thành mà vô tình bỏ sót lại nhiều thứ. Có khi ta quên cả mẹ. Những thành tựu vinh quang ta có được phải nói là rất đáng tự hào vả bảo là công ta tạo đấy, không dễ gì có mà quên mất rằng nếu mẹ không sinh ta ra lấy gì ta có. Tuổi càng lớn, sự trải nghiệm trong xã hội càng nhiều thì cũng chừng đó ta càng xa rời mẹ. Đến khi tóc điểm bạc, con cái ta lớn khôn ta mới giật mình nhớ lại ngày xưa mình chưa phải với mẹ vài lần. May mắn nếu như mẹ còn sống để nghe ta thủ thỉ ăn năn, muộn thì giữ chữ hiếu bên lồng ngực trái rồi nguyện kiếp lai sinh ta được làm con mẹ. Vậy đó, vòng tròn duyên nghiệp cứ xoay. Sống trong cõi vô thường này vui ít buồn nhiều là vì người ta mải miết chạy theo những xúc cảm thuận duyên vừa ý. Mà nếu bất chợt hỏi ngược lại như thế nào là "vừa" thì có khi họ lúng túng không biết trả lời sao cho đúng. Có người sống đến tám mươi tuổi rồi mà hỏi có bằng lòng với cuộc đời không, họ lắc đầu nguầy nguậy. Họ bảo, đếm không có bao nhiêu ngày vui so với tuổi tám mươi của mình. Thiệt lạ! Thôi thì, gắng giữ thân tâm an lạc. Đón một ngày mới bình an thì mừng, thở trọn vẹn hai mươi bốn tiếng thì vui. Cân đo đong đếm bao nhiêu cho đủ vui với buồn? Người ta mới sinh ra vài ngày, thèm sống để cảm niệm hỉ, nộ mà trời bắt đi sớm. Lúc đó, muốn kéo, muốn níu, muốn xin xỏ gì có được đâu. Thở hắt ra một cái rồi buông xuôi rồi... cũng qua một kiếp người!