Nếu có sự hiểu lầm mà không tháo gỡ thì sự hiểu lầm đó có thể trôi qua không?
Trong rất nhiều tình huống, hiểu lầm mà không tháo gỡ sẽ khó có thể mang lại kết quả như ý muốn, nó còn làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Trong nhà Phật, sự nhận lỗi là cách thức gieo trồng phước báu rất lớn. Chúng ta biết rằng, người kia có lỗi nhưng mình nhận phần lỗi đó để họ có cơ hội làm mới, kết nối lại tình thân đã bị cắt đứt. Chúng ta phải nói ra những lời chân thành, không phải nói để trả đũa, hờn giận, trách móc sân hận,... mà nói với thái độ kèm theo ngữ điệu nhẹ nhàng, bởi vì ngữ điệu đóng vai trò rất quan trọng.
Nói bằng cảm xúc nhẹ nhàng, ngọt ngào, thì người kia dù tâm hồn có chai sạn ù lì, vẫn có thể cảm nhận được, hãy nói ra, khi nói ra được là một trong những cách phóng thích nỗi khổ niềm đau. Cứ quan sát một người bị bệnh nằm trên giường, khi họ bị đau đớn, tay bấu lại, ghì vào thành giường, có người nắm tay, co rút tay lại, có người phải la rên, hét to... Chính phản ứng vật lý đó tạo nên những phản ứng hóc môn trong con người, để đẩy nỗi khổ niềm đau ra ngoài được mấy mươi phần trăm.
Phóng thích là một nhu cầu rất lớn, đừng giữ im lặng để cho cơn bệnh hoành hành trong con người của mình. Nên cô lập nó lại một nơi bằng cách phơi bày chuyện hiểu lầm đó ra, để mổ xẻ giống như chúng ta giải phẫu một vết thương. Dĩ nhiên nó tạo ra rất nhiều đau đớn, nhưng sau khi giải phẫu rồi thì cơ hội chữa lành sẽ hết. Chúng ta hãy chọn giải pháp nói ra, miễn là nói như thế nào để người kia hiểu được vấn đề, nếu như người kia chưa hiểu, chúng ta tạo cơ hội lần thứ hai, lần thứ ba... Chúng ta nói trong tình huống này thì khả năng thành công sẽ cao.( tt Thích Nhật Từ)
http://tusachphathoc.com/